HOA KỲ ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH VỚI TRUNG QUỐC? (theo AP)

.

.

.

Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách với Trung Quốc?

Đàn Chim Việt   (Theo AP)

17/03/2022

Trước thềm gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào thứ Sáu, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang điều chỉnh lại chính sách  “xoay trục sang châu Á” vì chính sách này đang gặp thêm phức tạp do chiến tranh tại Ukraine. 

Xoay trục là chính sách đang được mọi người trông chờ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nay đã trở thành đối thủ kinh tế và quân sự quan trọng nhất của Hoa Kỳ, nhưng thái độ lấp lửng của Trung Quốc trước cuộc chiến tranh Ukraine khiến việc chọn quyết định của ông Biden trở nên khó khăn hơn nhiều.

Biden và Tập dự kiến sẽ nói chuyện qua điện thoại vào thứ Sáu, và theo Tòa Bạch Ốc, cuộc nói chuyện sẽ tập trung vào việc “quản lý sự cạnh tranh giữa hai nước, cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm”.

Chính quyền Biden bây giờ phải tập trung cùng lúc cả đông và tây, cân bằng không những ưu tiên kinh tế mà còn cả quân sự.

“Thật khó. Chuyện này rất tốn kém.” Kurt Campbell, Trưởng ban Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, người được xem là kiến trúc sư của chính sách ngoại giao của Biden tại châu Á, cho biết trong một diễn đàn gần đây về việc duy trì sự tập trung cao độ ở hai khu vực. “Nhưng cũng rất cần thiết và tôi tin rằng chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà người ta đang cần đến Hoa Kỳ và thế hệ người Mỹ hiện nay.”

Chính quyền Biden đã bỏ rất nhiều công sức để tập hợp các đồng minh NATO và phương Tây, đáp trả Nga bằng các đòn trừng phạt mạnh bạo, cung cấp cho quân đội Ukraine 2 tỷ USD viện trợ quân sự – tính luôn 800 triệu USD viện trợ mới được công bố hôm thứ Tư – và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang leo thang.

Các đồng minh NATO bên sườn phía Đông – bao gồm Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Romania – đã nói rõ với chính quyền Biden rằng họ muốn Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và đóng góp nhiều hơn để giải quyết cuộc tản cư tệ hại nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Hơn 3 triệu người tị nạn Ukraine đã rời khỏi đất nước tính đến thứ Năm.

Mặc dù cuộc chiến ở Ukraine đang tập trung sự chú ý của chính quyền Biden, nhưng các quan chức Tòa Bạch Ốc khẳng định họ không quên Trung Quốc – và đang chăm chú theo dõi để xem ông Tập quyết định ra tay như thế nào.

Trong những tháng gần đây, Biden đã đồng ý bán tàu ngầm hạt nhân cho Úc và nâng tầm quan trọng của Bộ tứ (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ). Ông cũng phản đối các hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc lại Đài Loan, các vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số và trấn áp những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

Nhóm an ninh quốc gia của Biden hơi ngạc nhiên khi các đối tác ở Thái Bình Dương – Úc, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc – nhanh chóng tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt sau cuộc xâm lược, theo một quan chức Hoa Kỳ quen thuộc với lối suy nghĩ của chính quyền Biden.

Quan chức xin được giấu tên này cho biết các đồng minh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đều công nhận rằng Bắc Kinh đang theo dõi cách thế giới phản ứng với Nga để tính toán thái đô hung hăng thế nào với các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực. Khi ban hành các lệnh trừng phạt, các quốc gia Thái Bình Dương cũng định gửi một thông điệp tới cả Tập lẫn Putin.

Ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Biden đã cho biết mục tiêu trong chính sách Trung Quốc của ông là tìm cách hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm – chẳng hạn như ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và thuyết phục Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, Trung Quốc, Nga và các cường quốc khác trên thế giới – và tránh đối đầu.

Trong hướng đó, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và Dương Khiết Trì, cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã gặp nhau vào đầu tuần này trong một buổi trao đổi căng thẳng kéo dài 7 tiếng về cuộc xâm lược của Nga và các vấn đề khác. Họ cũng thảo luận về các vụ thử tên lửa liên lục địa gần đây của Triều Tiên.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với cuộc xâm lược của Nga đang khiến Washington lo ngại. Washington đã nói rõ với Bắc Kinh rằng ném một cái phao cho nền kinh tế Nga đang sụp đổ hoặc hỗ trợ đạo quân Nga đang bị tơi tả sẽ là những việc làm nguy hiểm. Washington chưa công khai nêu rõ họ sẽ có những hành động nào nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga.

“Chúng tôi không cần Trung Quốc đứng cùng phe. Chúng tôi chỉ cần họ không chống lại chúng tôi,” theo lời Frank Jannuzzi, giám đốc Maureen và Mike Mansfield Foundation, tổ chức nghiên cứu mối quan hệ Hoa Kỳ-châu Á.

Ông Tập và ông Putin đã gặp nhau vào đầu tháng 2, vài tuần trước cuộc xâm lược, khi Putin tới Bắc Kinh dư khai mạc Thế vận hội mùa đông. Dịp này, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố dài 5.000, trong đó nói rằng “tình hữu nghị” hai nước là vô hạn.

Trong những ngày đầu Putin ra lệnh xâm lược, chính phủ của ông Tập đã cố gắng đứng xa nhưng cũng tránh chỉ trích Moscow. Bắc Kinh còn đề nghị làm trung gian hòa giải và lên án các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính chống Nga.

Có những lúc, hành động của Bắc Kinh mang tính khiêu khích. Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lặp lại những tố giác không có cơ sở của Nga rằng ở Ukraine có 26 phòng thí nghiệm sinh học và các cơ sở phụ “mà Bộ Quốc phòng Mỹ có quyền kiểm soát tuyệt đối”. Nhưng Liên Hiệp Quốc cho biết họ không nhận được thông tin nào phù hợp với những cáo buộc như vậy.

Tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã lên Twitter cáo buộc rằng tuyên bố của Nga là “phi lý” và có thể là nỗ lực của Nga nhằm tạo cớ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt giống vậy chống lại Ukraine. Bà cũng đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã “có vẻ như đã tán thành việc tuyên truyền này”.

Chính phủ của ông Tập cũng đã tìm cách sử dụng cuộc xung đột để làm nổi bật sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc và sự suy tàn của phương Tây.

Tuy nhiên, Trung Quốc có những vấn đề nội bộ. Tình hình kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và các lệnh trừng phạt chống lại Nga có thể làm kinh tế Trung Quốc tồi tệ hơn.

Xiong Zhiyong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Cuộc chiến Ukraine đã diễn ra theo những cách mà Trung Quốc không mong đợi và cuộc chiến không có lợi cho sự trỗi dậy hay phát triển của Trung Quốc”.

Dù vậy, Tòa Bạch Ốc vẫn lo ngại Trung Quốc có thể viện trợ cho Nga. Cùng ngày diễn ra cuộc gặp Sullivan-Dương, Mỹ thông báo cho các đồng minh châu Á và châu Âu rằng tình báo Mỹ xác định rằng Trung Quốc đã báo hiệu với Nga rằng họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ cả quân sự và tài chính để giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc do phương Tây áp đặt. Sullivan đã nói rõ rằng sẽ có những hậu quả “nghiêm trọng” nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga.

Ryan Hass, từng là trưởng ban đặc trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ tại Hội đống An ninh quốc gia dưới thời chính quyền Obama, cho biết Bắc Kinh phải đối mặt với một “quyết định quan trọng” là có nên viện trợ cho Nga hay không.

Ông nói: “Nếu ông Tập quyết định làm điều đó, tôi khó thấy con đường vẫn rộng mở cho Trung Quốc để duy trì mối quan hệ không thù địch với Hoa Kỳ và các nước phương Tây ”.

Tại Tòa Bạch Ốc, bà Psaki nói rằng quốc gia nào làm ăn với Nga nên “suy nghĩ về vị trí mà mình muốn đứng khi đúng lúc sử sách viết về thời điểm này.”

(Theo AP)

========================================

.

.

Mỹ, đồng minh lập nhóm chuyên trách ‘săn’ tài sản của tài phiệt Nga   

Thanh Niên Online

07:40 – 18/03/2022 

https://thanhnien.vn/my-dong-minh-lap-nhom-chuyen-trach-san-tai-san-cua-tai-phiet-nga-post1439769.html

Mỹ và các đồng minh ngày 16.3 lập nhóm đặc nhiệm đa phương nhằm đối phó các oligarch, tức nhóm quyền lợi thao túng ở Nga, bao gồm việc hợp tác về tịch thu, phong tỏa tài sản trong bối cảnh phương Tây gia tăng áp lực đối với Moscow, theo AFP.

VIDEO : https://thanhnien.vn/my-dong-minh-lap-nhom-chuyen-trach-san-tai-san-cua-tai-phiet-nga-post1439769.html

Lực lượng mới cũng sẽ đối phó những cá nhân, tổ chức vi phạm các lệnh cấm vận đối với Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố: “Các lệnh cấm vận, giới hạn thương mại và những biện pháp khác của chúng ta đã gây tổn thất đáng kể đối với Nga. Lực lượng đặc nhiệm đa phương này sẽ gia tăng tổn thất đó bằng phối hợp nỗ lực phong tỏa và tịch thu tài sản của những cá nhân trong quyền tài phán trên thế giới”.

Cao ủy châu Âu về dịch vụ tài chính Mairead McGuinness cho rằng các biện pháp kết hợp đang gây tác động đáng kể và “nền kinh tế Nga đang rơi tự do”. Bà McGuinness phát biểu: “Công việc của chúng ta tập trung vào việc chặn dòng tiền chảy vào Nga. Những oligarch Nga cần biết rằng họ sẽ không tìm được nơi nào an toàn ở EU hay bất cứ đâu”.

Theo Reuters, các nước trên đồng ý thu thập và chia sẻ thông tin về các oligarch Nga nhằm cấm vận, phong tỏa, tịch thu tài sản và khởi tố. Mỹ đã cung cấp danh sách 50 cá nhân và đã công khai 28 cái tên, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

================

TIN LIÊN QUAN

.

.

.

Bình luận về bài viết này